Nga khởi động mỏ khí đốt siêu khổng lồ sau 40 năm chờ đợi
Công ty năng lượng nhà nước Gazprom của Nga hôm nay 23/10 đã bắt đầu hoạt động sản xuất tại một trong những mỏ khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, khoảng 40 năm sau khi mỏ được các nhà khoa học Liên Xô phát hiện tại Bắc Cực.
Tổng thống Nga Putin chính thức ấn nút khởi động sản xuất tại mỏ Bắc
Cực, mỏ đã gây ra sửng sốt và kinh ngạc về khối lượng khi nó được phát
hiện vào đầu năm 1970.
Mỏ Bovanenkovo trên bán đảo Yamal nằm ở cực tây bắc Siberia và được
Gazprom ước tính có trữ lượng 4,9 nghìn tỷ m3 khí đốt tự nhiên, khiến nó
trở thành một trong những mỏ lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, mỏ cũng nằm ở tầng đóng băng vĩnh cửu và vẫn không thể dẫn
được đường ống tới và thậm chí là không thể có liên lạc cơ bản nhất cho
tới tận những năm gần đây.
“Mỏ sẽ sản xuất 115 tỷ m3 khí và con số này sẽ tăng lên gần 140 tỷ”,
ông Putin cho biết với các công nhân mỏ qua link video được truyền trực
tiếp từ Mátxcơva. “Con số này gần bằng với số chúng ta xuất khẩu sang
châu Âu”, ông nhấn mạnh.
Mỏ than siêu khổng lồ này là mỏ lớn thứ hai tại Nga, sau mỏ Urengoi,
mỏ quan trọng của Gazprom tại miền nam. Tuy nhiên Bovanenkovo là một
phần trong dự án Bắc Cực mà Gazprom đang hi vọng mở ra một kỷ nguyên mới
khi các mỏ cũ đang cạn dần.
Công ty lớn nhất Nga phải chứng kiến sản lượng xuất khẩu của họ sang
châu Âu sụt giảm vào năm ngoái, sau khi vẫn giậm chân tại chỗ trong
nhiều năm, do sản xuất bị đình đốn và nhu cầu sụt giảm vì khủng hoảng
tài chính toàn cầu.
Gazprom đã quyết định dùng chiến lược táo bạo khi không phát triển mỏ
mới, mua gas từ các nước khác để đợi mỏ Bovanenkovo hoạt động.
Giám đốc Gazprom Alexei Miller cho biết công ty dự định khai mở gần
150 giếng khí đốt vào năm nay để cung cấp cho các đường ống tới châu Âu,
thay thế cho nguồn cung đã bị mất từ dự án mỏ Shtokman đang bị ngưng
trệ tại Biển Barents.
Nga hiện cung cấp khoảng 30% lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của châu Âu và là nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới.