Nga phát triển tàu phá băng săn dầu mỏ ở Bắc Cực
Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga cho hay: Để thăm dò chính xác thềm lục địa Bắc Cực, Nga sẽ sử dụng tàu phá băng chuyên dùng đồng thời là một phòng thí nghiệm mà các nhà thiết kế đã bắt tay vào chế tạo. Nga cần một dự án tàu phá băng mạnh có kích thước đáng nể đủ bố trí một viện nghiên cứu khoa học trên tàu.
Công ty Baltiyskiy Zavod khẳng định, sẵn sàng tham gia vào dự án, nhưng cho
biết hiện nay chưa tuyển người thực hiện nhiệm vụ này.
Cuộc thi tuyển chọn tiêu chí cho tàu phá băng nghiên cứu khoa học đã được
công bố, nhà máy Baltiyskiy cũng đã chuẩn bị xong đơn xin dự tuyển. Tiêu chí cho
tàu phá băng phải hoàn thành trước cuối năm 2014. Chính phủ Nga sẵn sàng chi trả
cho việc này khoảng 56 triệu Rub. Chi phí cho việc đóng tàu có thể sẽ lớn hơn. Mức chi phí còn phụ thuộc vào dự
án đóng tàu, do đó, có thể nói về giá khoảng 100 triệu Rub cho dự án.
Theo yêu cầu của tài liệu thi tuyển, trên tàu phá băng phải bố trí được 12–
15 phòng thí nghiệm với tổng diện tích gần 250m2. Con tàu phải phá được lớp băng
dày 2m để di chuyển với tốc độ ổn định tối thiểu 1,5– 2 hải lý/giờ, vượt quãng
đường 10.000 dặm và tồn tại độc lập 3 tháng không cần tiếp tế.
Người đặt hàng đặc biệt quan tâm đến trang bị của con tàu phá băng, các trang
thiết bị giúp phát hiện dầu mỏ và khí đốt ở Bắc Cực. Trên tàu sẽ có các tổ hợp
đo đạc, các thiết bị lặn và tàu lặn không người lái.
Để làm tất cả các việc này kết cấu con tàu phải có những bộ phận đặc dụng, ví
dụ như các hầm thẳng đứng. Có thể con tàu sẽ sử dụng nguồn năng lượng nguyên tử–
tài liệu thi tuyển chỉ rõ ít nhất các nhà thiết kế phải nghiên cứu phương án
này.
Hiện tại không rõ dự án sẽ thành công đến mức nào và liệu nó có được đưa vào
sản xuất công nghiệp hay không.
Vấn đề là, hiện không có phương pháp nào hữu hiệu trong việc tìm kiếm dầu
trên thềm lục địa.
Cũng có một số phương án: Sử dụng tàu ngầm mang những cảm biến chuyên dùng
(các nhà thiết kế của Phòng thiết kế trung tâm 112 Lazurit đã đề xuất phương án
như vậy), có thể dùng thuốc nổ phá băng rồi đặt cảm biến. Có thể, tàu phá băng
sẽ đồng thời sử dụng một số phương pháp thăm dò.
Chuyên gia về thiết kế tàu thuyền, kỹ sư hàng đầu của Viện nghiên cứu mang
tên Viện sĩ Krylov Aleksandr Chemodanov giải thích: “Lớp tàu thăm dò khoáng sản
có ích dưới mặt nước khá phát triển. Những tàu này phát đi một tín hiệu âm thanh
mạnh xuống nước, sau đó thu phản xạ của tín hiệu này thông qua cáp–cảm biến được
kéo phía sau tàu.
Căn cứ vào các thông số thu được sẽ lập ra một mô hình không gian ba chiều
khu vực dưới mặt nước ở độ sâu nhất định. Việc này cho phép xác định với xác
suất nào đó các chỉ tiêu của các lớp khoáng sản. Các hệ thống như vậy không dùng
được ở vùng băng. Những tàu này phải kéo theo đến 20 cáp–cảm biến, mà ở Bắc Cực
thì một cáp cũng không thể kéo theo được”.
Theo ông Chemodanov, việc tìm kiếm các phương pháp thăm dò ở Bắc Cực đã được
tiến hành từ năm 2009, đến nay việc này đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, theo yêu
cầu của thủ tướng Dmitri Medvedev hồi đầu tháng 8/2012.
Thủ tướng đã gọi đây là một dự án chiến lược, nhắc nhở là theo đánh giá của
các chuyên gia, thềm lục địa Bắc Cực có thể chứa gần 1/4 toàn bộ trữ lượng
hydrocacbon của thềm lục địa toàn cầu, và lưu ý là những nước cạnh tranh đang
làm việc nhanh hơn, vì vậy phải hành động khẩn cấp.
Các chuyên gia Nga cho biết, trữ lượng dầu mỏ trên đất liền đang cạn kiệt nên
việc khai thác nguồn tài nguyên này trên Bắc Cực là điều thiết yếu, ngoài ra,
việc khai thác hydrocacbon tại phần của Nga trên thềm lục địa Bắc Cực còn là
công cụ địa chính trị thế giới.
Chuyên gia hàng đầu của Công ty quản lý “Finam Management” Dmitri Baranov
nói: “Đây là phương pháp ghi nhận những yêu sách hợp pháp của chúng ta đối với
một phần tài nguyên thiên nhiên vùng giáp cực”.
Theo ông này, ngoài việc giải quyết các nhiệm vụ kinh tế, việc đóng tàu phá
băng thúc đẩy phát triển công nghệ, vật liệu mới và các giải pháp kỹ thuật. Ông
này đánh giá đầu tư vào dự án là có cơ sở đúng đắn.