Mỹ có thể là nước khai thác dầu lớn nhất thế giới
Với đà tăng sản lượng dầu hiện nay, Mỹ có thể sớm vượt Arập Xêút để trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Đây là nhận định chung của giới chuyên gia về thị trường dầu mỏ thế giới đưa ra ngày 23/10.
Dưới áp lực giá dầu tăng cao và những phương pháp khai thác thăm dò
dầu khí mới hiệu quả, sản lượng khai thác dầu thô và khí đốt hóa lỏng
của Mỹ đang tăng 7% trong năm nay và đạt trung bình 10,9 triệu thùng
dầu/ngày.
Đà tăng trưởng này tiếp tục được duy trì sẽ biến năm 2012 trở thành
năm thứ tư liên tiếp sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ tăng và là năm
có sản lượng lớn nhất kể từ năm 1951.
Bộ Năng lượng Mỹ dự báo sản lượng dầu thô và khí đốt hóa lỏng hy đrô
cácbon hóa lỏng khác của quốc gia này, gồm cả năng lượng sinh học, sẽ
đạt trung bình là 11,4 triệu thùng/ngày trong năm tới. Đây có thể là con
số kỷ lục của Mỹ và chỉ đứng sau sản lượng 11,6 triệu thùng/ngày của
Arập Xêút.
Ngân hàng nổi tiếng Citibank cho rằng sản lượng khai thác dầu thô của
Mỹ có thể đạt tới 13 triệu -15 triệu thùng/ngày vào năm 2020 và biến
Bắc Mỹ trở thành một "Trung Đông mới."
Lần gần đây nhất Mỹ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới là
vào năm 2002 sau khi Arập Xêút cắt giảm đáng kể sản lượng khai thác vì
giá dầu thấp do ảnh hưởng từ vụ khủng bố 11/9/2001.
Theo giới chuyên gia, trong những năm tới, Mỹ sẽ vẫn cần nhập khẩu
dầu thô để đáp ứng nhu cầu trong nước, hiện đang ở mức 18,7 triệu
thùng/ngày. Tuy nhiên, nhờ sản lượng trong nước tăng và tăng cường sử
dụng nhiên liệu sinh học, dự kiến lượng dầu nhập khẩu của Mỹ có thể giảm
một nửa vào cuối thập kỷ này.
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA), giá dầu thô trung
bình trong năm nay sẽ vẫn duy trì ở mức 107 USD/thùng và sẽ giảm xuống
còn 89 USD/thùng trong 5 năm tới, mức giảm chưa đủ mạnh để các nước xuất
khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới cắt giảm sản lượng khai thác.